Việt Nam khẳng định vị thế là một trong những thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) chủ lực trong khu vực, thu hút đáng kể các hoạt động đầu tư và thương vụ M&A.
ASART đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường F&B tại Việt Nam và những yếu tố nào đang thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này?
Năm 2024, ngành F&B tại Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào dân số hơn 100 triệu người, tầng lớp trung lưu và nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng. Nền tảng kinh tế vững chắc, thu nhập khả dụng ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh đang thay đổi sở thích và xu hướng tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu nhiều hơn cho các sản phẩm F&B đa dạng, đổi mới và chất lượng.
Người tiêu dùng đang dần chuyển sang lựa chọn các sản phẩm lành mạnh và bền vững hơn, thúc đẩy các thương hiệu trong và ngoài nước mở rộng danh mục sản phẩm. Sự tích hợp công nghệ thực phẩm và thương mại điện tử đang định hình lại thị trường, với các dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giao hàng và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm dựa trên AI ngày càng trở nên phổ biến.
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do cũng giúp Việt Nam mở rộng thị trường và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mang đến cho người tiêu dùng một loạt sản phẩm quốc tế đa dạng và tạo môi trường cạnh tranh cao. Điều này khuyến khích các thương hiệu nội địa phải đổi mới và nâng cao chất lượng. Sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi, như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, cũng góp phần thúc đẩy ngành F&B.
Tất cả các yếu tố này tạo ra một bức tranh sôi động và phát triển tại Việt Nam cho ngành này, với vị thế là một trong những thị trường chủ lực trong khu vực, thu hút đáng kể các hoạt động đầu tư và thương vụ M&A.
Đâu là một số thương vụ M&A đáng chú ý ngành F&B trong năm 2024? Mối quan tâm của nhà đầu tư và bên mua đối với các công ty F&B Việt Nam thời điểm hiện tại là gì?
Năm nay, ngành F&B của Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ M&A quan trọng, cho thấy sự năng động và tiềm năng phát triển của thị trường, với khoảng 23 thương vụ, tổng giá trị công bố xấp xỉ 468 triệu USD.
Kể từ năm 2019, hoạt động M&A trong ngành F&B ghi nhận sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nội địa, chiếm 71 thương vụ với tổng giá trị công bố hơn 584 triệu USD, thể hiện niềm tin và kỳ vọng dài hạn mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của ngành. Nhật Bản nổi bật trong các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư M&A ngành F&B tại Việt Nam, với 20 thương vụ, tổng giá trị công bố khoảng 306 triệu USD. Trong khi đó, Singapore và Hàn Quốc, dù có ít thương vụ hơn (lần lượt 5 và 3), vẫn đóng góp vốn đáng kể, cho thấy các khoản đầu tư này mang tính chiến lược và có giá trị cao.
Thái Lan cũng đóng vai trò đáng chú ý với 3 thương vụ có tổng giá trị công bố gần 297 triệu USD, phản ánh sự ưu tiên cho các thương vụ quy mô lớn tại Việt Nam. Xu hướng này cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực, khi các quốc gia láng giềng dần nhận ra tiềm năng của ngành F&B tại đây.
Các nhà đầu tư chiến lược thường tập trung vào các thương vụ M&A phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của họ, như mở rộng phạm vi thị trường, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và củng cố mạng lưới phân phối. Ngoài ra, sự quan tâm đến các sản phẩm chất lượng và hướng tới sức khỏe ngày càng tăng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên về các phân khúc này.
Các nhà đầu tư tài chính có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B cũng đang hoạt động khá sôi nổi trên thị trường. Những nhà đầu tư đã có vốn đầu tư vào các công ty trong ngành hoặc trong hệ sinh thái có thể cung cấp cả vốn và chuyên môn để hỗ trợ các công ty Việt Nam nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô.
Các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước ngày càng quan tâm đến lĩnh vực F&B của Việt Nam, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nguyên liệu và phụ gia thực phẩm, bán lẻ
Các nhà đầu tư tìm kiếm những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, danh mục sản phẩm đa dạng và mạng lưới phân phối vững chắc. Ngoài ra, các công ty có hiệu quả tài chính ổn định, đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, mạng lưới phân phối rộng, mô hình bền vững và chiến lược tăng trưởng rõ ràng sẽ thu hút sự chú ý lớn.
Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sẽ là động lực chính thúc đẩy ngành sản xuất F&B và hoạt động M&A tại Việt Nam. ASART nhìn nhận thế nào về xu hướng này?
Việt Nam từ lâu đã có lợi thế tự nhiên trong xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành F&B, nhờ vào nguồn tài nguyên và chi phí lao động cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản đáng kể đang kìm hãm tiềm năng của ngành. Một hạn chế lớn nằm ở cấu trúc sở hữu của các công ty trong ngành này, đa số vẫn thuộc sở hữu gia đình hoặc là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu chuyên môn, nguồn lực tài chính và quản trị doanh nghiệp. Cấu trúc này thường hạn chế khả năng mở rộng để đạt được lợi thế kinh tế quy mô, một yếu tố then chốt để cải thiện hiệu quả và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu
Để khai phá toàn bộ tiềm năng của ngành F&B Việt Nam, các công ty nên xem xét việc mở cửa cho các đối tác và nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm. Các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang đến nguồn vốn cần thiết, mà còn cung cấp chuyên môn và kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển, giúp các công ty Việt Nam cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối toàn cầu.
Với triển vọng tích cực của ngành F&B Việt Nam, ASART đánh giá thế nào về hoạt động M&A trong lĩnh vực F&B vào năm 2025 và những năm tới?
Ngành F&B tại Việt Nam đang có bức tranh M&A đầy sôi động, với các thương vụ ngày càng gia tăng về số lượng và giá trị. Sau năm 2019 ghi nhận sự bùng nổ cả về giá trị công bố lẫn số lượng giao dịch, thị trường đối mặt với thách thức trong 2 năm Covid-19. Nhưng thị trường phục hồi mạnh mẽ về giá trị thương vụ công bố vào năm 2021, cho thấy xu hướng dịch chuyển sang các thương vụ mang tính chiến lược và chuyên nghiệp hơn. Các năm tiếp theo, 2022 và 2023, có xu hướng giảm nhưng đã phục hồi đáng kể vào năm 2024.
Với triển vọng tích cực, hoạt động M&A trong lĩnh vực này dự kiến duy trì mức độ sôi động, mạnh mẽ và được hỗ trợ bởi cả các yếu tố kinh tế và đặc thù ngành trong năm 2025 và những năm tới. Sự tăng trưởng này, cùng với các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi của Việt Nam như dân số trẻ và xu hướng đô thị hóa, tạo ra một bối cảnh lý tưởng cho cả các nhà đầu tư chiến lược và tài chính tìm kiếm cơ hội thâm nhập một thị trường năng động với tiềm năng tăng trưởng dài hạn vững chắc.
ASART là công ty tư vấn chuyên biệt hàng đầu cung cấp các dịch vụ tư vấn quản lý toàn diện về tài chính doanh nghiệp, chiến lược doanh nghiệp, và quản lý tài sản. Chúng tôi tập trung vào hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A), hợp tác chiến lược, tối ưu hiệu quả đầu tư, và phát triển bền vững.
ASART theo dõi sát sao các xu hướng và thay đổi thị trường để cung cấp kiến thức chuyên sâu đáng tin cậy đẳng cấp quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn, và hiểu biết sâu sắc độc lập về địa phương cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty Việt Nam hàng đầu muốn thành công và mở rộng ở Việt Nam và Châu Á.
Chúng tôi có một mạng lưới rộng lớn và chặt chẽ bao gồm các công ty hoạt động hiệu quả và các nhà đầu tư uy tín từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm sản xuất, chăm sóc sức khỏe & dược phẩm, xây dựng & công trình, bất động sản, vận tải & logistics, ngân hàng & dịch vụ tài chính, bán lẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng, truyền thông và năng lượng.
Hiểu biết của chúng tôi giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt, giải quyết các vấn đề hiệu quả hoặc có được một góc nhìn mới. Khả năng thực thi, kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng của chúng tôi về thị trường, đã hỗ trợ nhiều khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề khó, thực hiện các chiến lược phù hợp, tìm kiếm các mục tiêu, kết nối với các nhà đầu tư, và hoàn thành các thương vụ thành công, là không thể so sánh và được công nhận là hàng đầu.
Liên hệ qua contactus@asart.com.vn hoặc +84 28 3821 6166 để có thêm thông tin chuyên sâu và xem chúng tôi có thể giúp gì cho doanh nghiệp của bạn!