Bất chấp tình hình bất ổn bên ngoài, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn cho các hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A). Bà Bình Lê, Phó Chủ tịch Tiểu ban Tài chính Bền vững thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã chỉ ra lý do vì sao vẫn có rất nhiều sựquan tâm đến các loại hình đầu tư mới và đầu tư thông qua M&A.
Thế giới đang trải qua nhiều bất ổn về kinh tế và những rủi ro ngày càng gia tăng từ diễn biến phức tạp của căng thẳng chính trị tại Ukraine, xung đột chính trị, nỗi lo khủng hoảng năng lượng, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, tín hiệu suy thoái kinh tế, và triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy yếu.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được bình chọn là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương theo một khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Singapore về Triển vọng Kinh doanh tại ASEAN.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong suốt đại dịch, và chính sách tiêm chủng toàn diện đã giúp quốc gia này phục hồi nhanh chóng.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng năm 2022 trong ba quý đầu tiên lần lượt là 5,1%, 7,7% và 13,7%, với dự báo gần đây từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho năm 2022 đạt mức 8% (cao hơn mục tiêu trước đó là 6-6,5%).
Hầu hết các lĩnh vực của các tổ chức kinh tế và xã hội tại Việt Nam, từ cấp chính phủ đến các công ty khởi nghiệp nhỏ, đều ủng hộ hội nhập kinh tế quốc tế. Vị thế ngày càng vững mạnh của Việt Nam được dẫn dắt bởi sự chỉ đạo tích cực của chính phủ trong hai lĩnh vực chính: chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tổng cục Thống kê cho biết rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020.
Trong tám tháng đầu năm 2022, con số này đạt 498 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 251 tỷ USD và 247 tỷ USD, ghi nhận thặng dư thương mại là 3,96 tỷ USD.
Theo báo cáo của ASEAN, năm 2021, dòng vốn FDI vào khu vực ASEAN khoảng 174 tỷ USD, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 9%, tương đương 15,7 tỷ USD, đứng thứ ba trong khu vực. Việt Nam đã giữ vững thứ hạng này từ năm 2016, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,5%.
Những hứa hẹn từ Hoa Kỳ
Theo Viện Tài chính Quốc gia, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam kể từ khi mở cửa kinh tế (năm 1988) đạt 407,6 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài từ Hoa Kỳ (bao gồm cả công bố và không công bố) chiếm khoảng 6%.
Số liệu trong chín tháng đầu năm 2022 cho thấy Hoa Kỳ đứng thứ chín trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 448,8 triệu USD, vốn đăng ký mới là 221,50 triệu USD và 132 dự án góp vốn và mua cổ phần với tổng giá trị 199 triệu USD. Một điều cần chú ý đó là phần lớn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là gián tiếp và do đó không được ghi nhận.
Qua các năm, Việt Nam cũng đã dần xây dựng một mạng lưới rộng lớn với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), khối thương mại lớn nhất trong lịch sử, và đang trong quá trình đàm phán hai hiệp định khác (xem bảng bên dưới).
Mạng lưới FTA toàn cầu giúp loại bỏ đáng kể các rào cản thuế quan, tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh về giá và mang lại nhiều cơ hội phát triển thị trường cho Việt Nam, góp phần định hướng các hoạt động thương mại và FDI.
Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại song phương vào năm 2000, nhưng hai nước chưa ký kết bất kỳ FTA hoặc hiệp định tương tự nào kể từ đó. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư. Gần đây, Việt Nam cũng đã đồng ý trở thành thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì thịnh vượng mới ra mắt.
Hơn nữa, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng vốn FDI từ Hoa Kỳ.
Gần đây, các công ty hàng đầu của Mỹ như Apple, Amazon và Qualcomm đã đầu tư hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Họ theo sau làn sóng các tập đoàn công nghệ cao như First Solar, Jabil, ONSemi và những công ty khác đã theo sau Intel. Nhiều công ty khác như Citibank, Suntory Pepsico, Coca-Cola, Cargill, Nike và P&G đã hoạt động tại Việt Nam từ giữa những năm 1990.
Các thương vụ M&A liên quan đến các nhà đầu tư Hoa Kỳ như Warburg Pincus, KKR và Mondelez cũng ngày càng hoạt động tích cực, đầu tư vào các công ty như Vingroup, Masan, Techcombank, Becamex, MoMo và Kinh Đô trong năm năm qua.
Kể từ năm 1994, đã có gần 190 thương vụ M&A với tổng giá trị 5 tỷ USD từ các nhà đầu tư Mỹ, trong đó một phần ba tổng số thương vụ M&A và 42% tổng giá trị chỉ diễn ra trong giai đoạn 2017-2021.
Xu hướng đang tiếp diễn
Mặc dù thị trường M&A toàn cầu cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và giá trị, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh hơn về tổng giá trị so với tổng số thương vụ trong quý 1 năm 2022, chủ yếu do lo ngại về lạm phát, tín hiệu suy thoái kinh tế và xung đột chính trị.
Châu Âu, thị trường M&A lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn đó, cho thấy mức giảm cao nhất (60%) về tổng giá trị các thương vụ M&A, trong khi mức giảm ở Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương trong cùng kỳ lần lượt là 24% và 18%.
Việt Nam có cùng xu hướng giảm với thế giới khi chỉ thu hút khoảng 9 tỷ USD vào thị trường M&A năm 2021, nhưng xu hướng đã đảo ngược vào năm 2022 với sự gia tăng mạnh mẽ.
Tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tiếp tục tăng đáng kể trong quý 1 năm 2022, mặc dù có sự suy giảm trong các giao dịch bất động sản lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư chiến lược và tài chính đến Việt Nam đang tích cực tìm kiếm đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, năng lượng, quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất.
Sản xuất, bán lẻ tiêu dùng, năng lượng, quản lý chuỗi cung ứng, y tế và giáo dục sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, giúp phát triển và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong 3-5 năm tới. Đây là những ngành mà các nhà đầu tư Hòa Kỳ có thể mang lại không chỉ năng lực tài chính mà còn chuyển giao công nghệ và chuyên môn cho Việt Nam.
Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh: vị trí địa lý chiến lược; hội nhập mạng lưới hiệp định thương mại tự do toàn cầu, hệ thống chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ am hiểu về công nghệ và nền kinh tế số tương đối mở, giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam đã cam kết phát triển bền vững như một trong những mục tiêu chính của quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo và chuỗi cung ứng bền vững. Đây là thời điểm đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư đã chú ý đến Việt Nam nhiều hơn. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ không phải là ngoại lệ, và chúng tôi tại Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam thấy ngày càng nhiều công ty muốn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, bao gồm cả thông qua các hoạt động M&A.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ tận dụng sự bổ sung phù hợp về văn hóa, hành vi tiêu dùng, chuyên môn công nghệ và kỹ năng giữa hai quốc gia, thúc đẩy dòng vốn FDI và các giao dịch M&A từ Hoa Kỳ. Với các chiến lược đầu tư đúng đắn, các nhà đầu tư Mỹ không chỉ tạo ra lợi nhuận tốt mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững tại Việt Nam.
*Bài viết này được đăng tải bởi Báo Đầu tư, được viết bởi Bình Lê ngày 28 tháng 12 năm 2022.
Về Chúng Tôi
ASART là công ty tư vấn chuyên biệt hàng đầu cung cấp các dịch vụ tư vấn quản lý toàn diện về tài chính doanh nghiệp, chiến lược doanh nghiệp, và quản lý tài sản, tập trung vào hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A), hợp tác chiến lược, tối ưu hiệu quả đầu tư, và phát triển bền vững.
ASART theo dõi sát sao các xu hướng và thay đổi trên thị trường để cung cấp kiến thức chuyên sâu đáng tin cậy đẳng cấp quốc tế, kinh nghiệm thực tiễn, và hiểu biết sâu sắc về địa phương cho các tập đoàn đa quốc gia và các công ty Việt Nam hàng đầu muốn thành công và mở rộng ở Việt Nam và Châu Á.
Chúng tôi có một mạng lưới rộng lớn và chặt chẽ với các công ty hoạt động hiệu quả và các nhà đầu tư uy tín từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm sản xuất, chăm sóc sức khỏe & dược phẩm, xây dựng & công trình, bất động sản, vận tải & logistics, ngân hàng & dịch vụ tài chính, bán lẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng, truyền thông và năng lượng.
Hiểu biết của chúng tôi giúp bạn đưa ra các quyết định sáng suốt, giải quyết các vấn đề hiệu quả hoặc có được một góc nhìn mới. Khả năng thực thi, kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng của chúng tôi về thị trường, đã hỗ trợ nhiều khách hàng trong việc giải quyết các vấn đề khó, thực hiện các chiến lược phù hợp, tìm kiếm các mục tiêu, kết nối với các nhà đầu tư, và hoàn thành các thương vụ thành công, là không thể so sánh và được công nhận là hàng đầu.
Liên hệ qua contactus@asart.com.vn hoặc +84 28 3821 6166 để có thêm thông tin chuyên sâu và xem chúng tôi có thể giúp gì cho doanh nghiệp của bạn!